Sinh năm 1986 tại Quảng Nam, tốt nghiệp khoa hội họa Đại học Mỹ thuật TP.HCM năm 2011 và khoa đạo diễn Đại học Sân khấu và Điện ảnh TP.HCM năm 2018. Trong thời gian theo học các đại học, Vũ Anh đã gây tiếng vang với triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên Mùa vàng vào năm 2015. Từ triển lãm này, Vũ Anh đã cho thấy khả năng tiềm tàng trong tự do sáng tạo, khi kết hợp các chất liệu như khói, cà phê và sơn dầu để tạo nên các tác phẩm.
Đó là một chút tóm tắt về chàng họa sĩ mang nghệ danh Vũ Anh, có tên đầy đủ là Võ Anh Vũ.
Chân dung họa sĩ Vũ Anh.
Từ ngày 12 đến 30.6 tại Green Palm gallery (49 Mạc Thị Bưởi, quận 1, TP.HCM), Vũ Anh tham gia triển lãm Những khuôn mặt mới cùng với Nguyễn Quang Minh và Nguyễn Thị Hoài Thương. Triển lãm mở cửa từ 9h đến 19h hàng ngày, vào cửa tự do.
Có nhận xét cho rằng tranh của Vũ Anh bộc lộ một tâm hồn tự do, khoáng đạt và ẩn chứa tính cách nổi loạn. Thật ra, có thể hiểu sự tự do và nổi loạn của Vũ Anh ở đây chính là nhu cầu muốn làm khác trong quá trình sáng tạo: khác chính mình và khác người. Điều này không chỉ trong hội họa, mà ngay cả với điện ảnh, anh cũng thể hiện sự nhất quán này. Đó là phong cách, là cá tính sáng tạo của Vũ Anh.
Tác phẩm của Vũ Anh.
Vẽ trên nhiều chất liệu hoặc kết hợp đa chất liệu trên một bức vẽ là việc làm thường thấy ở Vũ Anh. Nên khi anh trở về với một chất liệu thuần túy như màu nước vẽ trên giấy, khiến công chúng đôi lúc không khỏi bất ngờ. Thoạt nhìn cảm thấy như đó là những bức ảnh in lên nước, trong suốt, rực màu. Xem kĩ thì đó chính là sự tỉ mẩn và ngẫu hứng của những nhát cọ đầy gợi tình, gợi cảm. Những chú chim trong trạng thái động, giữa một khung cảnh như ngưng đọng cả về thời gian và không gian. Hai trạng thái trái ngược này gây một ấn tượng thị giác mạnh mẽ, đánh thức sự chú ý và lưu tâm của người xem. Nếu xem liền mạch khoảng chục bức, ta cảm thấy như một hiệu ứng điện ảnh được chàng họa sĩ kiêm đạo diễn, nhà biên kịch trẻ này đem vào thử nghiệm trên những bức tranh giá vẽ của mình.
Trạng thái tranh như vậy của Vũ Anh có thể sẽ làm cho người xem nghĩ rằng nó phi thực tế. Nhưng chính anh đã chia sẻ để lý giải: “Hiện thực trong đời sống và hiện thực trong tác phẩm là hai cái khác nhau mặc dù từ hiện thực đời sống gợi lên cảm xúc sáng tạo cho người hoạ sĩ. Hiện thực đi vào tranh là một hiện thực lãng mạn, pha trộn nhiều vị cảm xúc khác nhau mà hoạ sĩ muốn lồng ghép vào bên trong tác phẩm”.
Tác phẩm của Vũ Anh.
Anh cũng nói thêm rằng: “Sự hoàn thiện của một tác phẩm không nằm ở cái đích cuối cùng mà tác phẩm cần phải diễn tả đến, với tôi sự hoàn thiện ở tác phẩm đôi khi là sự dừng lại đúng lúc ở một thời điểm đúng nghĩa. Đôi khi một tác phẩm dở dang cũng chính là một tác phẩm hoàn thiện nhất. Và với tôi một tác phẩm đẹp chính là một tác phẩm khơi dậy được cảm xúc thật sự sâu lắng bên trong người xem”.
Vẽ tranh hiện thực thậm chí cực thực bằng chất liệu màu nước những năm gần đây trở thành trào lưu với các hội nhóm được thành lập trên các trang mạng xã hội và cả những triển lãm nhóm trực tiếp. Dường như nhiều hoạ sĩ trẻ đang dần nhìn thấy một sự đồng điệu về mặt chất liệu với nội dung mình muốn phản ánh. Tuy nhiên chọn cách vẽ tả thực nhưng lại hư mộng về mặt không gian kiểu như Vũ thì dù không cần phải tuyên ngôn hay lên tiếng thì tự thân tác phẩm cũng đã khơi gợi cho người xem những cảm khoái khác biệt, khó trộn lẫn. Dường như Vũ muốn chồng lấp, xoá nhoà biên giới của hai trạng thái thực và ảo trong tinh thần, để chúng đồng hiện, kể một câu chuyện, gợi một cảm tưởng, nâng một cảm xúc lạ, mơ hồ, không chủ đích. Có thể nói đó như là một kiểu tự do trong sáng tạo.
Bên lề cuộc trao đổi với người viết quanh những câu chuyện nghệ thuật, câu chuyện đời tư gắn với giá vẽ, chàng hoạ sĩ 8X đã không ngần ngại nói ra những trầm ngâm, suy ngẫm của mình về mối tương quan giữa công việc sáng tạo, bản thân và công chúng: “Trở thành hoạ sĩ với bản thân tôi mà nói không phải là sự chọn lựa mà có được. Ở góc nhìn của tôi: hoạ sĩ là một người trung gian giữa đấng sáng tạo và loài người. Hoạ sĩ là bước trung gian, người mang sứ mệnh truyền tải những điều chân thiện mỹ, những tư tưởng thẩm mỹ còn lẫn khuất đâu đó ở tương lai đến với công chúng”.
Nói đến đây để thấy, với Vũ Anh, hội hoạ không chỉ đơn thuần là một bộ môn nghệ thuật mà nó như là một tín ngưỡng, một đức tin tôn giáo. Chàng hoạ sĩ lúc này đã trở thành tông đồ. Việc vẽ như là một sứ vụ cao cả, thiêng liêng mà chàng tự nhận lãnh và lắng nghe tiếng nói bên trong mình. Mỗi màu sắc hiện lên như một linh ảnh của chốn khởi nguyên đẹp đẽ. Và chàng đi loan truyền tin mừng bằng cách mang những tác phẩm của mình đến với công chúng.
Bảo Bình
Nguồn: https://nguoidothi.net.vn/hoa-si-vu-anh-khac-minh-va-khac-nguoi-35271.html